Nguồn nước từ các con sông, hồ chứa, biển, thậm chí là nguồn nước ngầm của chúng ta đang ngập chìm trong hóa chất, các loại chất thải, nhựa và hàng trăm nghìn chất ô nhiễm khác gây ra vấn đề ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm cho sức khỏe con người. Vậy ô nhiễm nguồn nước là gì? và nguyên nhân nào gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước? cùng tìm hiểu qua những nội dung dưới đây.
Ô nhiễm nguồn nước là gì?
Ô nhiễm nước được định nghĩa là sự xuất hiện của các hóa chất độc hại và các tác nhân sinh học trong nguồn nước, có thể gây ra mối đe dọa đối với sức khỏe con người, môi trường và làm giảm sự đa dạng sinh vật trong nguồn nước.
Các loại ô nhiễm nước hiện nay:
Có nhiều loại ô nhiễm nước khác nhau được phân loại dựa trên các nguyên nhân gây ra ô nhiễm.
Ô nhiễm nước do hóa chất:
Hóa chất là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra ô nhiễm nguồn nước. Các hóa chất sau đây là những chất gây ô nhiễm nước phổ biến nhất hiện nay:
- Dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ như: xăng, nhiên liệu diezen, dầu hỏa, dầu động cơ và dầu bôi trơn… Các hợp chất này nhẹ hơn nước nên chúng luôn nổi trên mặt nước tạo thành các lớp hợp chất. Bên cạnh đó, một phần của những hợp chất này hòa tan trong nước, thậm chí một lượng nhỏ cũng có thể gây hại cho môi trường và con người mà mắt thường không thể nhận ra.
- Phân bón (bao gồm nitrat và photphat): Một lượng nhỏ phân bón hữu ích cho cuộc sống. Tuy nhiên khi lượng nitrat và photphat liều lượng cao xuất hiện trong nước tạo môi trường có lợi cho tảo và vi sinh vật độc hại phát triển. Những chất gây ô nhiễm này không thể phát hiện bằng mắt thường (vì chúng không tạo thành màng hoặc tạo màu cho nước) nhưng ảnh hưởng của chúng thì không hề nhỏ.
- Dung môi clo hóa (bao gồm TCE , PCE , 1,1,1-TCA , cacbon tetraclorura, Freons) chìm trong nước (đậm đặc hơn nước), khá dai dẳng và độc hại.
- Dung môi dầu mỏ (bao gồm benzen, toluen, xylenes, etylbenzen)
- Các dung môi và hóa chất hữu cơ khác (chẳng hạn như axeton, methyl ethyl xeton, rượu như etanol, isopropanol; hoặc các hợp chất oxygenat như MTBE)
- Thuốc kháng sinh và các sản phẩm dược phẩm khác.
- Trihalomethanes: đây thường là các sản phẩm phụ của quá trình khử trùng bằng clo trong nước và có thể gây ô nhiễm nước ngầm và nước bề mặt thông qua các đường cống bị rò rỉ và xả thải. Ví dụ về các hợp chất đó là: cloroform, bromoform, dichlorobromomethane;
- Kim loại và các hợp chất của chúng – có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cao hơn là các hợp chất kim loại hữu cơ, các hợp chất này có thể hình thành khi kim loại có trong nước phản ứng với các hợp chất hữu cơ trong nước như: Hg , As và Cr trong nước. Do đó, nếu nước bị ô nhiễm cả kim loại và hợp chất hữu cơ thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và đời sống thủy sinh càng cao.
- Thuốc trừ sâu / thuốc diệt côn trùng / thuốc diệt cỏ: Một số lượng lớn các hóa chất này ngấm vào nước do các hoạt động nông nghiệp trực tiếp như phun trên diện rộng hoặc gián tiếp với dòng chảy nước nông nghiệp. Thuốc trừ sâu là một ví dụ điển hình của loại chất gây ô nhiễm nước này.
Ô nhiễm nguồn nước do nhiễm chất phóng xạ:
Chất phóng xạ cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước hiện nay.
Ô nhiễm nguồn nước do các tác nhân sinh học:
Khi các vi sinh vật khác nhau như: các loài vi khuẩn và vi rút, giun hoặc tảo xuất hiện với một số lượng lớn là nguyên nhân gây ô nhiễm nước. Loại ô nhiễm này là do vật chất hữu cơ đang phân hủy trong nước, chất thải động vật, cũng như việc con người xử lý chất thải không đúng cách gây ra.
Ô nhiễm nước ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
Ảnh hưởng đến sức khỏe con người: Ô nhiễm nước có thể gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Điều này chủ yếu là do chúng ta tiếp xúc với nước ô nhiễm theo nhiều cách khác nhau như:
- Uống nước ô nhiễm
- Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm để tắm
- Bơi trong nước ô nhiễm
- Hít hơi nước ô nhiễm khi ở cạnh nguồn nước ô nhiễm
- Tiêu thụ thực phẩm ô nhiễm (thịt, rau) bị ảnh hưởng bởi nước ô nhiễm
- Ăn thịt động vật được nuôi bằng nước ô nhiễm, thực phẩm bị ảnh hưởng bởi nước ô nhiễm (ví dụ như rau được tưới bằng nước ô nhiễm hoặc được trồng ở khu vực có nước ngầm bị ô nhiễm)
Ảnh hưởng của ô nhiễm nguồn nước có thể xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc trong trường hợp uống nước có lượng chất ô nhiễm cao. Mặt khác, các ảnh hưởng có thể xuất hiện một thời gian sau khi tiếp xúc lâu dài với nước bị ô nhiễm thấp. Những ảnh hưởng đến sức khỏe của việc uống nước bị ô nhiễm có thể là đau dạ dày đến các căn bệnh chết người hoặc đột tử.
Phá hủy đa dạng sinh học. Ô nhiễm nước làm cạn kiệt các hệ sinh thái dưới nước và gây ra sự sinh sôi không kiểm soát của thực vật phù du trong các sông hồ.
Thiếu nước uống: Hàng tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với nước sạch để uống hoặc vệ sinh, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước:
Một nửa dân số trên thế giới sẽ sống trong các khu vực khan hiếm nước vào năm 2025, vì vậy mỗi giọt nước ô nhiễm ngày hôm nay là một mất mát không thể bù đắp cho ngày mai. Vì vậy, ngay hôm nay chúng ta hãy chung tay làm giảm và phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước bằng các biện pháp cụ thể như:
- Giảm thiểu lượng khí thải CO2 để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
- Giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học trong nông nghiệp.
- Giảm thiểu nước thải và xử lý nước thải đúng quy trình để không gây ô nhiễm.
- Hạn chế tối đa việc sử dụng nhựa dùng một lần.
- Khuyến khích đánh bắt thủy hải sản hợp lý để đảm bảo sự tồn tại và cân bằng giữa các loài và tránh cạn kiệt tài nguyên vùng biển.
Ô nhiễm nguồn nước gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống con người và sinh vật trên trái đất. Vì vậy, ngay hôm nay mỗi cá nhân chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.